Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm trụ sở mới của trường ĐHQG Hà Nội

Ngày 14/4, tại Hòa Lạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới thăm, làm việc với Đại học Quốc gia Hà Nội – cơ sở giáo dục đại học với bề dày lịch sử 117 năm, đưa ra nhiều thông điệp quan trọng về đào tạo nhân lực, trong đó yêu cầu đặc biệt quan tâm nhân lực nghiên cứu, phát triển chip.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm, làm việc với ĐHQG Hà Nội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm, làm việc với ĐHQG Hà Nội – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cuộc làm việc nhằm khuyến khích, thúc đẩy đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực quản lý, nghiên cứu khoa học, doanh nhân… nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập, nhất là trong các lĩnh vực mới nổi, trong đó có chuyển đổi số, nghiên cứu, phát triển, chế tạo, sản xuất chip (vi mạch tích hợp).

Cùng tham dự cuộc làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Giám đốc ĐHQG Hà Nội Lê Quân; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, thành phố Hà Nội; đại diện các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp lớn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm trụ sở mới của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQG), nghe lãnh đạo ĐHQG báo cáo về tình hình tổ chức, hoạt động nói chung, trong đó có công tác đào tạo nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như tình hình đào tạo và nghiên cứu khoa học lĩnh vực vi mạch tích hợp bán dẫn; thăm triển lãm về công nghệ chip bán dẫn của ĐHQG Hà Nội.

Một góc khuôn viên ĐHQG Hà Nội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Một góc khuôn viên ĐHQG Hà Nội – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Dần hình thành khu đô thị đại học “5 trong 1”

Ngày 28/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có buổi làm việc với đội ngũ cán bộ chủ chốt của ĐHQG Hà Nội.

Trong thời gian vừa qua, ĐHQG Hà Nội đã tập trung triển khai kết luận chỉ đạo của Thủ tướng với trọng tâm là các hoạt động tại Khu đô thị đại học Hòa Lạc.

Tháng 5/2022, ĐHQG Hà Nội chính thức chuyển trụ sở làm việc tới Hòa Lạc, đánh dấu sự chuyển mình của hệ thống hướng tới một không gian phát triển mới cả về cơ sở vật chất, đời sống học thuật và quản trị đại học.

Theo báo cáo, khu đô thị đại học bước đầu được định hình và không ngừng hoàn thiện, theo mô hình 5 trong 1 theo chỉ đạo của Thủ tướng, gồm: Trung tâm đào tạo tài năng; trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ hiện đại; trung tâm đổi mới sáng tạo ngang tầm quốc gia và quốc tế; đô thị đại học thông minh, hiện đại; trung tâm thử nghiệm hợp tác công tư và đào tạo nghiên cứu.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng quy mô đào tạo 6.000 sinh viên và đang được mở rộng hướng tới phục vụ 25.000 sinh viên vào năm 2025. Tới nay đã có 24/35 đơn vị trong ĐHQG Hà Nội chuyển trụ sở tới và hiện diện tại Hòa Lạc, thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt của Ban lãnh đạo, tập thể thầy và trò ĐHQG Hà Nội.

Thủ tướng tới thăm giờ học lớp đào tạo sinh viên công nghệ của ĐHQG Hà Nội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng tới thăm giờ học lớp đào tạo sinh viên công nghệ của ĐHQG Hà Nội – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Với tư cách là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học hàng đầu, ĐHQG Hà Nội đã chủ động xây dựng và triển khai Chiến lược khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của ĐHQG Hà Nội giai đoạn 2021-2030 nhằm định hướng phát triển khoa học và công nghệ trong thời gian tới lên một tầm cao mới, đồng thời là đột phá để phát triển ĐHQG Hà Nội trở thành đại học thông minh, đổi mới sáng tạo.

ĐHQG Hà Nội đã xây dựng và ban hành quy chế đào tạo các bậc học tiệm cận chuẩn mực quốc tế. Mở mới các chương trình đào tạo bậc đại học theo hướng liên ngành, xuyên ngành nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước.

Đại học Quốc gia tiếp tục ưu tiên nguồn lực để triển khai các chương trình, đề tài khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia; tích cực tham gia tư vấn chính sách cho các cơ quan Trung ương; phối hợp đề xuất một số chính sách thí điểm để thương mại hóa, đưa kết quả nghiên cứu từ đầu tư công vào sản xuất kinh doanh.

Đại học Quốc gia đã đẩy mạnh triển khai các hướng nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, công nghệ ưu tiên phù hợp với xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời, tập trung nguồn lực triển khai một số chương trình nghiên cứu trọng điểm quốc gia về năng lượng, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, điện tử y sinh…

Đặc biệt, ĐHQG Hà Nội là một trong các đơn vị tiên phong, có năng lực tham gia, dẫn dắt hoạt động đào tạo, nghiên cứu và phát triển ứng dụng về công nghiệp thiết kế vi mạch tích hợp bán dẫn. Mỗi năm cung cấp cho thị trường lao động gần 1.200 sinh viên có chuyên môn liên quan đến thiết kế vi mạch, nâng tổng số sinh viên đã tốt nghiệp các ngành này đến nay lên trên 12.000 người.

Đại học Quốc gia tích cực thu hút các nguồn lực, triển khai mô hình hợp tác công – tư, xúc tiến đầu tư nhằm giới thiệu, kêu gọi đầu tư vào các hoạt động xây dựng, giảng dạy và nghiên cứu khoa học; tạo không gian, điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước tham gia.

Hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học phục vụ sự phát triển của ĐHQG Hà Nội. Bên cạnh đó, đã tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho một số nước trong khu vực và trên thế giới.

ĐHQG Hà Nội đã nỗ lực kiến tạo môi trường giáo dục chất lượng cao; đã ban hành một số chế độ, chính sách hỗ trợ giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ khoa học, góp phần thu hút các nhà khoa học, nhất là cán bộ trẻ có trình độ cao về làm việc, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học cơ bản và phát triển công nghệ lõi.

Năm 2022, ĐHQG Hà Nội tiếp tục giữ vững vị thế và không ngừng gia tăng uy tín của mình tại nhiều bảng xếp hạng quốc tế và khu vực. Nhiều công trình, cá nhân, tập thể xuất sắc được vinh danh và tặng thưởng những phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước.

Thủ tướng thăm giờ học văn hóa quốc tế có sinh viên nước ngoài theo học- Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng thăm giờ học văn hóa quốc tế có sinh viên nước ngoài theo học- Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đào tạo nhân lực để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành thời gian phân tích, chia sẻ về những yếu tố nền tảng trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Theo đó, Việt Nam đang thực hiện 3 trụ cột gồm xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa (phát huy tối đa nguồn lực con người, tinh thần đại đoàn kết, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại); xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân (mọi chính sách đều hướng tới người dân và mọi người dân phải tham gia xây dựng, thực hiện chính sách); xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (tôn trọng các quy luật của thị trường nhưng có sự can thiệp của Nhà nước khi cần thiết).

Quan điểm xuyên suốt là lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển; phát huy tối đa năng lực, trí tuệ, phẩm chất, đạo đức của con người Việt Nam. Cùng với đó, Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Thủ tướng tham quan gian trưng bày sản phẩm vi mạch do sinh viên Viện Công nghệ thông tin ĐHQG Hà Nội nghiên cứu, chế tạo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng tham quan gian trưng bày sản phẩm vi mạch do sinh viên Viện Công nghệ thông tin ĐHQG Hà Nội nghiên cứu, chế tạo – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đủ sức chống chịu những tác động từ bên ngoài, gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa nội lực và ngoại lực, lấy nội lực (con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa, lịch sử) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực (vốn, công nghệ, quản trị, nhân lực, góp phần hoàn thiện thể chế) là quan trọng và đột phá.

Từ Đại hội XI của Đảng, Việt Nam thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực, tùy điều kiện, hoàn cảnh đất nước qua từng giai đoạn và trong nhiệm kỳ này, các đột phá chiến lược được thúc đẩy rất mạnh mẽ.

Thủ tướng nhấn mạnh việc thực hiện các trụ cột phát triển, đối ngoại và hội nhập nói trên đều liên quan mật thiết, tác động sâu sắc tới sự nghiệp giáo dục và đào tạo, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chúng ta vừa kế thừa, phát huy truyền thống của dân tộc coi “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, vừa giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu các thành tựu, đi theo các xu thế mới của thế giới, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh của thời đại.

Thủ tướng lưu ý cần quan tâm đào tạo nhân lực trong cả 3 lĩnh vực: Nghiên cứu cơ bản, quản lý và ứng dụng, nhất là các ngành mũi nhọn, các xu thế phát triển mới để có thể “đi sau, về trước” như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tri thức, đổi mới sáng tạo, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu, trên cơ sở bám sát chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước và tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.

Trong bối cảnh nguồn lực có hạn, yêu cầu lại cao, thích ứng phải kịp thời, chúng ta phải đi đúng, đi trúng, phân bổ nguồn lực phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó để có thể phát triển nhanh, bền vững.

“Đào tạo nguồn nhân lực để thu hút đầu tư, đào tạo nhân lực để chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực để thích ứng với điều kiện, hoàn cảnh đất nước, đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện các mục tiêu, khát vọng phát triển đất nước tới năm 2030, năm 2045. Đào tạo nhân lực vừa có tính chất bao trùm, phổ cập, toàn diện, xuyên suốt, vừa có trọng tâm, trọng điểm vào một số ngành mũi nhọn; phải kết hợp cả hai hướng này thì chúng ta mới có thể phát triển nhanh và bền vững”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng tham quan khu vực giới thiệu sản phẩm thiết bị bay không người lái do sinh viên Khoa Điện tử viễn thông nghiên cứu, chế tạo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng tham quan khu vực giới thiệu sản phẩm thiết bị bay không người lái do sinh viên Khoa Điện tử viễn thông nghiên cứu, chế tạo – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát huy truyền thống vẻ vang 117 năm

Với ĐHQG Hà Nội, Thủ tướng trước hết nhấn mạnh, cần phát huy tối đa bề dày lịch sử qua 117 năm với truyền thống vẻ vang, quý báu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Thủ tướng ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao và chúc mừng ĐHQG Hà Nội về những thành tích đạt được, đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển và sự nghiệp giáo dục đào tạo của cả nước, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao.

ĐHQG Hà Nội luôn bám sát khẩu hiệu hành động “Đạt đỉnh cao dựa vào tri thức”, phát huy mạnh mẽ giá trị cốt lõi “Đổi mới sáng tạo – Trách nhiệm quốc gia – Phát triển bền vững” và có nhiều bước phát triển rất đáng ghi nhận trong thời gian qua, là nơi đào tạo nhân lực chất lượng cao, nơi bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.

Thủ tướng trao tặng 5.000 cây xanh cho ĐHQG Hà Nội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng trao tặng 5.000 cây xanh cho ĐHQG Hà Nội – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trước đây, cơ sở vật chất của ĐHQG Hà Nội còn nhiều khó khăn với các trụ sở nằm rải rác ở nhiều nơi. Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt chỉ đạo việc tập trung thực hiện dứt điểm dự án xây dựng ĐHQG Hà Nội và chuyển trụ sở làm việc tới Hòa Lạc.

Thủ tướng bày tỏ ấn tượng với trụ sở mới của ĐHQG Hà Nội ngày càng hiện đại, xanh, sạch, đẹp, cũng như khí thế và tinh thần nghiên cứu, học tập, rèn luyện của các giảng viên, sinh viên.

Đặc biệt, Thủ tướng bày tỏ ấn tượng khi thăm triển lãm về công nghệ chip bán dẫn, mặc dù còn rất nhiều khó khăn cần giải quyết để nghiên cứu, phát triển, chế tạo, sản xuất chip.

Kế thừa, phát huy truyền thống và phát triển có đột phá

Theo Thủ tướng, tình hình thế giới chuyển biến rất nhanh chóng, khó lường, đồng thời đang chuyển mạnh sang phát triển dựa vào tri thức. Tri thức, đổi mới sáng tạo là yếu tố cơ bản quyết định sức mạnh kinh tế, khả năng cạnh tranh, thích ứng tình hình của mỗi quốc gia. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động mạnh mẽ, trực tiếp tới mọi mặt của đời sống xã hội.

Thủ tướng đề nghị, với vai trò là đại học đa ngành, đa lĩnh vực, có truyền thống, có đội ngũ cán bộ khoa học hùng hậu, đã và đang đào tạo nhiều lĩnh vực quan trọng, then chốt cả về lý thuyết hàn lâm và khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng, ĐHQG Hà Nội tập trung vào một số nhiệm vụ.

Thứ nhất, phát huy bề dày lịch sử và những thành tựu đạt được, kinh nghiệm hay, bài học quý, những mô hình, cách làm hiệu quả; tiếp tục xây dựng và củng cố tập thể đoàn kết, vững mạnh, không ngừng đổi mới sáng tạo để xây dựng ĐHQG Hà Nội thành một cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học theo mô hình hiện đại, có tầm cỡ, uy tín trong khu vực và quốc tế.

Phát triển toàn diện cả bề rộng và chiều sâu, tập trung vào một số lĩnh vực khoa học cơ bản, đào tạo chuyên ngành, mũi nhọn, chất lượng cao, có thế mạnh của Việt Nam, phù hợp với xu thế của thế giới, nhất là đào tạo chuyên sâu về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tri thức, đổi mới sáng tạo, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu,… phát triển nhanh và bền vững.

“Kế thừa, phát huy truyền thống và phát triển có đột phá”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ hai, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển đồng thời cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội – nhân văn, khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng, đặc biệt là góp phần phát triển, hoàn thiện nền tảng tư tưởng, cung cấp luận cứ khoa học, tin cậy cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định chiến lược, xây dựng chủ trương, đường lối, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Thủ tướng đề nghị với vai trò là đại học đa ngành, đa lĩnh vực, có truyền thống, có đội ngũ cán bộ khoa học hùng hậu, đã và đang đào tạo nhiều lĩnh vực quan trọng, then chốt cả về lý thuyết hàn lâm và khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng, ĐHQG Hà Nội tập trung vào 5 nhiệm vụ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng đề nghị với vai trò là đại học đa ngành, đa lĩnh vực, có truyền thống, có đội ngũ cán bộ khoa học hùng hậu, đã và đang đào tạo nhiều lĩnh vực quan trọng, then chốt cả về lý thuyết hàn lâm và khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng, ĐHQG Hà Nội tập trung vào 5 nhiệm vụ – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ ba, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, tập trung giải quyết những vấn đề lớn, điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc cả về lý luận và thực tiễn ở cấp quốc gia cũng như cấp địa phương. Thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thương mại hóa các kết quả, sản phẩm nghiên cứu khoa học trên cơ sở tăng cường hợp tác công tư. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin hướng tới xây dựng đại học số, đại học thông minh. Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh, nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân.

Thứ tư, thể hiện khát vọng vươn lên mạnh mẽ, đồng hành, góp phần thực hiện khát vọng phát triển, mục tiêu đất nước tới năm 2030, 2045 và lan tỏa khát vọng vươn lên tới hệ thống các cơ sở giáo dục đại học. Tập trung phát triển đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên chất lượng cao, đẳng cấp khu vực, quốc tế. Đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học theo nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

Tiếp tục phát huy, nhân rộng các hình thức tuyển sinh phù hợp, hiệu quả, trong đó có hình thức Đánh giá năng lực học sinh trung học phổ thông. Có cơ chế khuyến khích sinh viên vào học các ngành khoa học cơ bản, ngành đặc thù, ngành hiếm để vừa phục vụ bảo tồn, phát huy bản sắc, giá trị riêng có của quốc gia, dân tộc, vừa phục vụ sự phát triển nhanh, bền vững đất nước. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ, góp phần đào tạo nhân lực cho miền núi phía bắc, miền Trung – Tây Nguyên, vùng Tây Nam Bộ, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thủ tướng yêu cầu đặc biệt quan tâm, tăng cường đầu tư cho lĩnh vực phát triển nhân lực nghiên cứu về công nghệ vi mạch tích hợp bán dẫn ở Việt Nam; chú trọng hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa trong lĩnh vực này.

Thứ năm, tăng cường hợp tác công tư, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, sớm hoàn thành dứt điểm nhiệm vụ xây dựng ĐHQG Hà Nội tại Hòa Lạc, hình thành một khu đô thị đại học xanh, hiện đại, thông minh, ngang tầm khu vực theo mô hình 5 trong 1.

Với các sinh viên, Thủ tướng nêu rõ tự hào được học tập tại ngôi trường có bề dày lịch sử, là những thanh niên thông minh, năng động, mỗi sinh viên cần nuôi dưỡng đam mê, ấp ủ hoài bão, lý tưởng, thắp sáng ngọn lửa nhiệt huyết, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, để cùng với bạn bè, đồng nghiệp phấn đấu vươn lên, làm chủ cuộc sống và có nhiều đóng góp tích cực cho bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội.

Nhắc lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thanh niên sẽ làm chủ nước nhà. Phải học tập mãi, tiến bộ mãi, mới thật là thanh niên”, Thủ tướng đề nghị các sinh viên ĐHQG Hà Nội và sinh viên trên cả nước phải luôn chăm chỉ, cần cù, có ý thức học hỏi, tu dưỡng đạo đức, trau dồi, nắm chắc kiến thức, thành thạo chuyên môn, cập nhật thông tin để học giỏi, nghĩ thông, làm tốt, luôn có tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thực sự trở thành những công dân tốt, công dân số, công dân toàn cầu, góp phần xây dựng đất nước ngày càng hùng cường, thịnh vượng; nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Trong giai đoạn phát triển mới, Thủ tướng mong muốn và tin tưởng ĐHQG Hà Nội sẽ quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, thế hệ đi sau kế thừa, phát huy làm tốt hơn thế hệ đi trước, phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng vai trò nòng cốt, đầu tàu trong hệ thống giáo dục đại học nước nhà, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Thủ tướng hoan nghênh 2 đề xuất của ĐHQG Hà Nội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng hoan nghênh 2 đề xuất của ĐHQG Hà Nội – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hoan nghênh 2 đề xuất của ĐHQG Hà Nội

Về đề nghị đầu tư xây dựng Trung tâm Hỗ trợ thiết kế, đo kiểm vi mạch quốc gia và Phòng thí nghiệm chế tạo vi mạch đặt tại Hòa Lạc do ĐHQG Hà Nội chủ trì vận hành, Thủ tướng giao ĐHQG Hà Nội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng đề án cụ thể, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Về kiến nghị giao ĐHQG Hà Nội là đơn vị đầu mối xây dựng và tổ chức chương trình đào tạo, nghiên cứu về vi mạch tích hợp bán dẫn trong Chương trình đào tạo Tài năng và Xuất sắc về công nghệ 4.0, Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, giao nhiệm vụ phù hợp, tương xứng cho ĐHQG Hà Nội trong “Đề án phát triển hệ thống trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về công nghệ 4.0”.

Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành sẽ tiếp tục quan tâm cho việc đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất của ĐHQG Hà Nội để xây dựng một đại học kiểu mẫu.

Thủ tướng giao các bộ, ngành có liên quan và UBND thành phố Hà Nội tích cực phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện để sớm giải quyết hiệu quả những khó khăn, vướng mắc của ĐHQG Hà Nội. Đồng thời, quy hoạch, phát triển đô thị vệ tinh Hòa Lạc theo định hướng tập trung các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, đổi mới sáng tạo hàng đầu, hợp tác chặt chẽ để tạo sức mạnh chung.

Nhân dịp này, Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương bàn giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc về thành phố Hà Nội quản lý, Bộ tập trung thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước để cả nước có thêm nhiều khu công nghệ cao, nhiều trung đổi mới sáng tạo, nhiều vươn ươm khởi nghiệp./.

Theo: Báo chính phủ

CHIA SẺ:
Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn
Để lại bình luận

đăng ký tư vấn

Quý khách vui lòng điền đầy đủ thông tin để được hỗ trợ tốt nhất